Freitag, 26. August 2016

Kinh tế châu Mỹ La Tinh tiếp tục giảm, Venezuela chưa vượt qua cơn hạn hán kéo dài

Năm 2015 vừa qua, tổng thu nhập quốc dân của tất cả các nước châu Mỹ La Tinh là 9,5 ngàn tỷ USD. 1000 tập đoàn tư nhân lớn nhất của các nước này nắm giữ tổng tài sản vào khoảng 4,5 ngàn tỷ USD, tương đương với gần 50% con số ở trên. Đó là con số do tạp chí "Latin Trade" của Mỹ mới đây công bố.

Điều ngạc nhiên không nằm ở chỗ đó mà là sự giàu lên quá nhanh của nhiều tập đoàn trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Ví dụ như công ty bất động sản IRSA của Arghentina, chỉ trong năm 2015, tài sản của công ty này tăng từ 1,08 tỷ USD lên 10,07 tỷ USD. Hay tập đoàn Éxito của Kolombia, từ mốc 4,84 tỷ USD đầu năm 2015 đã tăng lên 16,49 tỷ USD thời điểm cuối năm 2015.
Trong năm 2016, theo dự đoán của liên hợp quốc, nền kinh tế khu vực này sẽ giảm vào khoảng 0,8%, xét về giá trị, nền kinh tế giảm mạnh nhất là Brasil với 3,5%. Xét về tỷ lệ với tổng thu nhập quốc dân, Venezuela với con số cao nhất lên tới 8%.

Bolivia là nước sẽ tiếp tục tăng trưởng với khoảng  4,5% trong năm nay. Tiếp theo là Peru với 3,9%. Các nước khác ở khu vực trung Mỹ cũng khả quan khi Nicaragua phát triển tới 4,5%, Guatemala với 3,5% và Honduras với 3,4%.

Brasil là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới vốn được coi là trụ cột của khu vực châu Mỹ La Tinh tuy vậy do yếu tố thứ nhất chính quyền Brasil hỗ trợ kém cho nền kinh tế, yếu tố thứ hai bất ổn về chính trị khi tham nhũng tràn lan trong tất cả các đảng phái của Brasil kể cả trong các cuộc bầu cử từ trung ương tới địa phương. Trong năm 2015 vừa qua, ngành công nghiệp sản xuất của Brasil giảm tới trên 9%, thương mại giảm 8,9%, xây dựng giảm 7,6%, vận chuyển giảm 4,8%.

Kinh tế của Arghentina theo bản báo cáo của CEPAL sẽ giảm 1,5% trong năm nay sau khi tăng trưởng 2,4% trong năm 2015 vừa qua. Đây cũng là hậu quả từ việc hàng loạt ngành rường cột của nước này được tư nhân hóa như khí đốt, điện khiến cho giá tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó là việc cắt giảm hỗ trợ cho lĩnh vực năng lượng và vận chuyển cũng khiến cho giá các mặt hàng tăng lên từ đó dẫn tới sức mua giảm, kéo theo nền kinh tế của Arghentina sẽ không mấy sáng sủa trong năm nay.

Kinh tế Venezuela giảm mạnh chỉ một phần do tác động của dầu mỏ, thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế nước này là hạn hán kéo dài. Đất nước vốn phụ thuộc vào thủy điện, hạn hán đã làm cho đất nước lâm vào trình trạng thiếu điện dẫn tới sản xuất giảm, đẩy Venezuela vào tình trạng cắt điện luân phiên. Ngoài ra hạn hán cũng làm cho mất mùa, ngành chăn nuôi gia súc lâm vào cảnh khốn đốn và khiến cho sản xuất nông nghiệp cũng như chăn nuôi tụt dốc không phanh.

Trong suốt hơn ba năm hạn hán, 24 tiểu bang của Venezuela thiếu nước uống trầm trọng.  El Niño kéo dài đã khiến cho tất cả các vùng đất khô cằn, kể cả 18 hồ lớn nhất Venezuela cũng bị cạn tới gần đáy. Điều này đã khiến cho Caracas lâm vào tình trạng nước chỉ có trong 5 tới 6 ngày hoặc chỉ có vào lúc sáng sớm, thời gian còn lại hoàn toàn không có.


- http://www.prnewswire.com/news-releases/las-1000-mayores-empresas-de-america-latina-poseen-activos-por-un-total-de-us45-billones-300310527.html
- http://www.pagina12.com.ar/diario/economia/2-305295-2016-07-27.html

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen