Freitag, 10. Juni 2016

Điều gì đang xảy ra ở Venezuela?

Chụp từ tờ báo VN. Thực ra đây là cảnh xếp hàng ở một cửa hàng.

Có thể nói thời gian qua Venezuela là tâm điểm của sự chú ý giới truyền thông toàn cầu. Hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang, đời sống dân chúng khó khăn tới giấy vệ sinh cũng không có mà sử dụng,.... đó là một hình ảnh của Venezuela hiện nay. Có tờ báo sử dụng hình ảnh của Mỹ để tượng trưng cho sự khán hiếm hàng hóa ở Venezuela. Cũng có tờ thậm chí sử dụng hình ảnh người dân xếp hàng với một người đàn ông lúi húi ngoài đường và cho đó là người dân bới rác để tìm thức ăn.

Quả thật, kể từ khi chính quyền ở Venezuela đưa đất nước theo con đường phát triển xã hội chủ nghĩa gần 20 năm qua, chưa bao giờ Venezuela khó khăn như hiện thời. Vào năm ngoái khi mỗi đồng USD chỉ đổi được 10 Bolivar theo giá ngân hàng thì năm nay đã lên tới 420 Bolivar, ngoài chợ đen thậm chí lên tới 1000 Bolivar. Chỉ một gói cà phê 250 Gr ở ngoài chợ đen Venezuela bạn sẽ phải trả tới 800 Bolivar để mua được nó.

Bánh mì, một trong những mặt hàng thuộc diện được nhà nước bảo trợ giá ở mốc 50 Bolivar, hoàn toàn không có mà mua. Lý do vì không có bột mì trắng nên không có bánh mì. Điều kỳ lạ tuy trong các cửa hàng không bán nhưng ra ngoài chợ đen giá của chúng có thể 150, 200 thậm chí 250 Bolivar. Hơn nữa tất cả các loại bánh ngọt, mặc dù chúng cũng được làm với một phần bột mì trắng lại bầy bán khắp nơi, chẳng thiếu thứ gì.

Hình ảnh  giới báo chí cho rằng ở Venezuela, thực ra được chụp ở New York năm 2011
Còn sữa bột cũng như sữa tươi, thứ mà chính quyền có kế hoạch trợ giá vì nó nằm trong mục quan trọng với trẻ em bị biến mất khỏi trong các cửa hàng. Thế nhưng với giá 500 Bolivar mỗi lít ở ngoài chợ đen bạn có thể mua với số lượng không hạn chế, so với giá 25 Bolivar của năm 2015 vừa qua. Thuốc chữa các loại bệnh như ung thư, huyết áp,... bạn sẽ không thể nào mua được trong bất cứ hiệu thuốc nào ở Venezuela.
 
Các mặt hàng như rau củ quả, thịt các loại, cá,... hiện nay giá cũng đã gấp 10 lần so với năm 2015. Bột ngô là thực phẩm rất quan trọng ở Venezuela nhưng không thể mua trong các cửa hàng. Thế nhưng những loại bánh làm từ bột ngô như Arepas và Empanadas, hai thứ bánh truyền thống của người Venezuela vẫn bán đầy ở ngoài đường phố. 
Đỉnh cao trong tất cả các mặt hàng là nước rửa bát, lau nhà, xà phòng tắm, nước gội đầu giá đã tăng lên tới 1000% so với năm 2015.

Đó là thực tế của đất nước Venezuela năm 2016! 

Nhưng so với 20 năm trước thì sao?

Các bạn nên nhớ rằng, 20 năm về trước những mặt hàng ấy tràn đầy trong các siêu thị! Và rồi thì sao? Siêu thị có nhiều hàng nhưng bao nhiêu người Venezuela có khả năng mua? Một thiểu số rất nhỏ thời ấy! 20 năm trước đa số người Venezuela không mua, hoặc không có khả năng mua thứ ấy vậy thì 20 năm sau họ không mua thì họ có chết đói hay không?

Có một thực tế rằng, cho tới thời điểm này mặc dù phe đối lập tìm mọi cách lôi kéo người dân xuống đường nhưng chưa bao giờ thành công. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ ở con số tối đa xung quanh một vài ngàn người, vẫn là những "bàn tròn dân chủ" với "xã hội dân sự", cái tên chẳng hề xa lạ ở Venezuela. 
 
Quân đội, những người xuất thân là con, cháu những người nông dân, công nhân ở thời 20 năm về trước vốn dĩ là những tá điền hoặc một căn hộ nhỏ đi thuê cũng nhọc nhằn chứ đừng nói gì tới khả năng mua. Nhờ chính sách nhà ở xã hội, chia đất cho dân cày đã mang lại quyền lợi cho hàng triệu người Venezuela và đó là nguyên nhân chính quyền cho tới thời điểm này vẫn được quân đội chống lưng. 

Một lý do khác là số người ở tuổi hưu trí ở Venezuela thời gian qua đã có tới 83%, tương đương trên 3 triệu người được hưởng tiền từ quĩ hưu nhà nước, một con số cao chưa từng có trong lịch sử Venezuela. Tất cả những đối tượng kể trên chắc chắn họ sẽ chẳng bao giờ đứng về phe đối lập để mà lật đổ chính quyền ông Maduro, ít nhất vào thời điểm này! 

Người dân Venezuela xuống đường phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Venezuela.
Tuy nhiên so với ông Hugo Chavez, cố tổng thống Venezuela thì ông Maduro hiện giờ đã để tuột khỏi tay ba thứ quan trọng, không kiểm soát được:
1. Tài chính 
2. Công nghiệp
3. Truyền thông
 
Ngành tài chính kiểm soát ngoại cũng như nội tệ. Ngành công nghiệp sẵn sàng giảm sản lượng hàng hóa trong vòng một năm chẳng hạn, sa thải bớt công nhân, tạo thêm sự khó khăn cho chính quyền. Đó là điều họ đã từng làm trong quá khứ, thời 2002-2003 nhằm lật đổ ông Hugo Chavez. Truyền thông ở Venezuela chủ yếu vẫn là tư nhân và đây cũng là điểm yếu khiến cho chính quyền khó điều hành. 
 
Hai năm trước khi tỷ giá đồng Rúp của Nga so với đồng USD đột nhiên giảm mạnh người ta chẳng từng nói rằng kinh tế nước Nga sắp sụp đổ đấy sao? Còn ở Venezuela bây giờ là cuộc chiến giữa một bên là chính quyền cùng với sự ủng hộ của tầng lớp đa số dân chúng và bên kia là giới nhà giàu, các nhà tài phiệt, truyền thông. Chắc chắn sẽ có người thua kẻ thắng nhưng bên nào đó là tùy thuộc vào người Venezuela. 

 
-/-

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen