Nhiều người hay nói về năng xuất lao động và họ thường so sánh năng xuất của nước này nước kia với Việt Nam. Thế nhưng một điều căn bản mà họ không hiểu rằng, khả năng của con người ta chỉ có giới hạn cho nên năng xuất lao động của mỗi con người cũng từ đó bị giới hạn theo. Cho dù cố gắng tới đâu, làm bất cứ cách nào thì một lúc nào đó cũng chạm tới giới hạn của con người. Muốn tăng năng xuất thì phải công nghiệp hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa. Vậy mà muốn công nghiệp hóa, cơ giới hóa trước tiên phải có máy móc và năng lượng để cho máy móc sử dụng. Mà muốn có máy móc, năng lượng thì hoặc phải tự làm ra, hoặc phải mua và nếu như Việt Nam không sản xuất được thì phải mua, mà mua thì phải có tiền, thậm chí phải có rất nhiều tiền.
Bao nhiêu năm nay Việt Nam từ một nước phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ ở nước ngoài tới chỗ tự túc được một phần. Từ chỗ khai thác dầu mỏ rồi bán dầu thô, nhập sản phẩm từ dầu mỏ về, tới chỗ xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng với nhiều dự án khác. Những dự án ấy với một đất nước như Việt Nam là vô cùng mới mẻ, là đầy rẫy những rủi ro và cho dù nó thua lỗ hay là có lời thì đấy cũng là tiền đề cho những dự án sau này.
Việt Nam ta từ một nước hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc công nghệ ở bên ngoài, thời tôi còn nhỏ tới từng cái kim sợi chỉ cũng phải nhập, có nghĩa là hao tổn tiền bạc và tài nguyên. Cho tới lúc từng xưởng máy mọc lên từ bắc tới nam, bắt đầu tự túc một phần phân bón và cây giống cho nông nghiệp, ngành sống còn của đất nước. Rồi từng bước sản xuất máy bơm nước, máy cày máy cấy, kim chỉ... chứ chẳng ai cho không chúng ta.
Nước ngoài ư? Nước ngoài họ chỉ muốn bán hàng cho Việt Nam để đổi lấy tài nguyên của đất nước với giá rẻ mạt chứ chẳng ai cho không chúng ta, tức là họ chỉ muốn Việt Nam vĩnh viễn là khách hàng của họ. Rõ ràng sản phẩm của chúng ta so với của các nước khác còn thua xa, đó là điều phải chấp nhận. Trừ khi nước ngoài họ cho không, hoặc bán với giá rẻ. Chứ một chiếc máy cày vẫn bằng lúa của hàng bao nhiêu Hectar cộng lại, một chiếc máy gặt đập liên hợp của phương tây giá tận trên trời, chưa kể linh kiện, bao nhiêu gia đình nông dân mới có khả năng mua? Với giá đắt đỏ như vậy chúng ta không có tiền và không thể cơ giới hóa thì tăng năng xuất lao động bằng niềm tin hay sao?
Nhà nước đầu tư cho điện đường trường trạm ở nông thôn, trong đó muốn điện khí hóa tức là giảm bớt sức lao động của người dân và tăng năng xuất. Nhà nước muốn xây dựng nhà máy lọc dầu để giảm bớt phụ thuộc năng lượng vào nước ngoài vì cho dù hôm nay bạn có nhập với giá rẻ, 20 năm sau vẫn nhập, khi cần ngoại bang có thể sử dụng làm vũ khí khiến cho cả một nền kinh tế điêu đứng không gì cứu vãn nổi và đó là an ninh năng lượng của quốc gia.
Trong cái thế giới toàn cầu hóa này, muốn làm ra một mặt hàng cũng phải nhìn trước ngó sau. Thà lớn như Trung Quốc hay chơi cô độc như bắc Triều Tiên, chả ai kiện bản quyền mà có kiện thì cũng kiện củ khoai. Người bắc Triều Tiên họ tự sản xuất rất nhiều thứ, từ máy tính bảng tới di động, từ tên lửa tới xe hơi và không phải họ giỏi hơn Việt Nam ta nhiều lắm đâu. Người Trung Quốc họ cũng ăn cắp công nghệ mà nhiều tay tài phiệt toàn cầu cũng không dám đụng vào. Việt Nam thử làm cái gì mà không đụng tới bản quyền xem nào, nó kiện cho sạt nghiệp. Cái khó của Việt Nam là khi tham gia cuộc chơi của toàn cầu thì anh không thể làm Chí Phèo như bắc Triều Tiên và cũng không lớn như Trung Quốc để sao chép công nghệ mà không bị đụng chạm bản quyền. Cái gì cũng phải mua, cái gì cũng phải nhập mà muốn mua muốn nhập thì phải có tiền. Muốn có tiền thì phải có cái gì đó bán đi, không thì phải tăng thuế cao hoặc vay mượn. Việt Nam là một nước chẳng giàu có gì về tài nguyên nên cũng không thể bán được nhiều. Tăng thuế cao thì khổ dân và con đường cuối cùng là chịu khó vay mượn.
Trong hoàn cảnh một đất nước như vậy, cho dù chế độ nào lên, cho dù 5 đảng hay 30 đảng thì vẫn không thể thay đổi được vị thế. Mà vị thế của Việt Nam là một nước nhỏ, một nước phụ thuộc công nghệ, phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài cho nên cơ giới hóa, điện khí hóa là cả một quá trình lâu dài, muốn tăng năng xuất mà lại thiếu những thứ đó, còn lâu mới tăng được.
Điều mà giới báo chí nhiều người phân tích, đặc biệt các tờ báo mạng như những bài báo này của tờ Báo Đất Việt chẳng hạn, là cách nhìn nhận hồ đồ, thiếu kiến thức. Dự án nào của đất nước như Bauxit, điện hạt nhân, hóa dầu, thủy điện... cũng đều bới ra để chửi. Không có những thứ ấy cho tương lai thì tăng năng xuất lao động bằng niềm tin à?
http://baodatviet.vn/chuyen-de/nguoi-viet-luoi-nang-suat-lao-dong-thap-nhat-khu-vuc
Keine Kommentare:
Kommentar veröffentlichen