Buổi chiều hôm trước khi lễ hội ở thành phố tôi kết thúc, các hội đoàn diễu hành qua khắp các khu phố và tập trung ở tòa thị chính cổ, nằm giữa quảng trường duy nhất ở cái thành phố bé tẹo bằng khoảng hai xã ở Việt Nam cộng lại. Chúng tôi ngồi trong cửa hàng làm việc như thường lệ, lúc ấy khoảng tầm gần 5 giờ chiều. Burcu, một cô bé khách hàng quen (người Thổ Nhĩ Kỳ) của chúng tôi nhăn nhó khó chịu vì không gọi được điện thoại để bố mẹ tới đón trong khi đó chuyến xe buýt cuối cùng về làng cô sẽ chạy lúc hơn 6 giờ. Tưởng đâu di động cô ấy bị hỏng, tôi định đưa máy cho cô ấy mượn thì hỡi ôi, không một gợn sóng. Hóa ra trong buổi chiều hôm ấy, toàn bộ sóng di động bị ngắt và cuối cùng cô bé phải mượn máy điện thoại tường để gọi về nhà. Hôm sau tôi mới biết, thì ra là lo sợ bị đánh bom nên sóng điện thoại di động hôm ấy bị khóa.
Sống trong sợ hãi, đó là khái niệm chính xác để mô tả tâm lý người dân ở châu Âu trong thời điểm này. Người thì sợ tham gia các lễ hội, người chẳng dám đi dự những buổi ca nhạc và cực đoan hơn thậm chí còn chẳng dám sử dụng những phương tiện công cộng như tàu hay xe buýt, những nơi có thể xảy ra những vụ tấn công bất chợt, ma không hay trước, quỉ cũng chỉ đoán mò. Thêm vào đó là những vụ cướp giật, móc túi, trộm cắp tăng tới mức chóng mặt lại càng khiến cho người ta thêm sợ hãi, buổi tối thậm chí còn không dám bước chân ra khỏi nhà. Cuộc sống này chẳng biết gọi là gì cho chính xác nhưng quả thật với người bản xứ, họ đang vô cùng sợ hãi.
- Sống chết có số rồi. Khi nào chúa gọi thì ta đi, có tránh cũng chẳng được.
Lắm lúc tôi đùa với họ như vậy vì tôi thừa hiểu, họ chỉ là những dân thường, ngoài mối lo miếng cơm manh áo và giải trí vào những lúc rảnh rỗi, họ chẳng có mối quan hệ nào tới cái "nhân" để mà họ phải gánh lấy "quả" là những gì diễn ra ngày hôm nay. Họ là những nạn nhân đáng tôn trọng, đáng thương!
Đôi khi ngồi với mấy khách người Thổ, người Kasachstan, kể cả những người gốc Đức hồi hương thì dường như cuộc nói chuyện lại đi về hướng hoàn toàn khác. "Gieo gió thì phải gặt bão" đó là quan điểm của nhiều người trong số họ về việc ấy. Bao nhiêu năm qua, các nước châu Âu, đặc biệt trong khối NATO và Mỹ, họ đã gây ra biết bao tang thương chết chóc. Họ đã phá hủy hàng chục ngàn làng mạc, hàng ngàn thành phố, giết hại hàng triệu người và họ đã san bằng một nền văn minh mà nhiều nơi mất cả hàng trăm năm mới có được. Và người dân ở đó họ sống thế nào? Thậm chí tới sợ hãi họ còn không được phép! Không phải vì họ không biết sợ mà đơn giản vì cái chết nó quá thường trực nên họ quá quen, chẳng còn biết sợ hãi là gì. Và có thể cái chết thậm chí còn là giải thoát với nhiều người khi họ đã mất tất cả.
"Mùa xuân Ả Rập", có thể ở Việt Nam nhiều bạn chỉ được nghe khía cạnh rằng, người dân ở đó xuống đường phản đối chế độ độc tài. Nhưng có thể các bạn còn không biết được trong mùa xuân ấy có cả mùa mưa của bom đạn, thứ gieo cái chết kinh hoàng có thể tới hàng trăm, hàng ngàn người cùng một lúc. Ở đâu biểu tình có thể làm sụp đổ chính quyền thì họ cho diễn biến tự nhiên. Nhưng nếu chính quyền mới lên không chấp nhận theo họ thì họ sẽ hỗ trợ cho cách mạng tiếp như số phận ông Mursi của "Huynh đệ Hồi giáo" ở Ai Cập. Ở nơi nào phe "biểu tình" quá yếu thì họ sẽ được máy bay hỗ trợ như ở Libya và ở nơi nào cả hai phương pháp kể trên không khả thi thì họ sẽ làm cho nát như tương, Syria là ví dụ. Kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, mùa xuân Ả Rập là thời kỳ Mỹ và đồng minh bán được nhiều vũ khí nhất.
Con kiến nó còn biết quí mạng sống của mình thì huống chi là con người. Sẽ chẳng có ai ngu xuẩn tới mức tự tìm tới con đường chết trừ phi họ bị đẩy vào đường cùng. Bạn tưởng tượng xem, một người phụ nữ tận mắt chứng kiến cha mẹ bị giết, chồng con bị sát hại, họ còn lý tưởng gì để sống? Đặt bạn vào vị trí họ, bạn sẽ làm gì? Mà nào có phải vì ai trong cùng cái màu da, mái tóc mà lại bởi một kẻ xa lắc xa lơ, những kẻ nhân danh "dân chủ" và "giải phóng" bằng bom đạn, bằng phá hủy tất cả sự sống trên mặt đất và ấy là luật nhân quả cho những mối sợ hãi bên đây.
Có người từng ví rằng, ở dưới bãi cát trên sa mạc là vũng bùn. Người phương tây đi vào sa mạc và họ không biết ở dưới đó có bùn nên họ đã bị sa lầy. Muốn thoát được họ chỉ có một con đường duy nhất và đó là từ bỏ con đường bạo lực với các dân tộc không chấp nhận làm bầy tôi cho họ.
-/-
Cám ơn một bài viết rất hay mà không lý luận gì cao xa.
AntwortenLöschenTôi rất mệt mỏi khi phải sống trong sợ hải. Tôi tự hứa với bản thân, rằng khi gia đình tôi mất đi thì tôi củg sẽ theo họ để đc đầu thai làm kiếp khác. Cuộc sống này đối với tôi nó thật là vô nghĩa.
AntwortenLöschen