Montag, 27. Juni 2016

Chủ nghĩa tư bản đã chết!

- Đúng là tư bản có khác, nhìn cái gốc cây nó cũng to hơn hẳn gốc cây nhà mình!
- Mày rõ nhảm! Tới cái đống phân của con bò nó còn to hơn đống phân bò nhà mình.
Cả đám phá lên cười hô hố.

Tuổi 20, ấy là khi lần đầu chúng tôi được chiêm ngưỡng sự hào nhoáng của chủ nghĩa tư bản, chúng tôi rất thần tượng. Trong suốt những ngày đầu tiên, việc mà chúng tôi thích làm nhất là lên cầu trên đường cao tốc, ngắm xe qua lại. Bao nhiêu năm ngoài chiếc U oát ở Việt Nam, khi ra nước ngoài cũng chỉ là những Lada, Skoda, Trabi,.... nay nhìn thấy những VW, Audi, BMW khiến cho hoa hết cả mắt. Những chiếc xe sơn bóng nhoáng phản quang dưới ánh nắng le lói của mặt trời lúc xế chiều lại càng làm cho chúng tôi thêm choáng ngợp.
 
Thế rồi cuộc sống thực sự cũng bắt đầu. Học, làm, lấy vợ, sinh con, chẳng mấy chốc cũng trải qua quá nửa cuộc đời. Bằng cấp? Chẳng có giá trị gì cả, ở đây họ không công nhận bất cứ bằng cấp nào ở Việt Nam cũng như ở khối XHCN cũ! Để phấn đấu có được, ít nhất một cái bằng, một giấy chứng nhận cùi hủi nào đó, để theo học, để có một cái gì đó ở xứ này, đó là cả máu và mồ hôi cùng với đôi bàn tay chai sạn với những trải qua đủ hết nghề nghiệp. Cùng chung số phận với chúng tôi có hàng triệu những người dân lao động Đức, sự hào nhoáng bên ngoài lúc chúng tôi mới đến chỉ là một nửa của vấn đề, lúc này chúng tôi mới nhìn thấy rõ. Xã hội Đức cũng như bao nhiêu xã hội khác mà tôi đã từng sống qua. Từ bao cấp ở Việt Nam tới thời XHCN ở đông Âu, ở đâu tầng lớp làm ra của cải vật chất cho xã hội cũng là tầng lớp có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất. Mãi sau này tôi mới đủ chín chắn để hiểu câu nói của cụ Hồ ngụ ý rằng ở dưới chân tượng đài nữ thần tự do ở nước Mỹ là cả một bóng tối bao la. 
 
Cũng phải thừa nhận rằng, hồi ấy khi phe XHCN còn tồn tại, người lao động ở Đức được chiều chuộng hơn bây giờ rất nhiều, tuy nhiên kéo dài trong một thời gian rất ngắn, sớm nhất sau khủng hoảng của thập niên 1970 và chậm nhất cho tới khi kết thúc chiến tranh lạnh, tức là chỉ kéo dài khoảng 20 năm và đó cũng là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa tư bản. Ở tây Berlin trước đó, hãng xưởng và cửa hàng không cần phải đóng thuế, người đi làm cũng vậy. Thu nhập người lao động ở Berlin cao hơn hẳn tất cả các vùng miền khác, bao gồm cả thủ đô Bonn. Ngành nào có công đoàn đó, làm nghề nào có luật của nghề đó, lương và ngày phép cứ thế mà theo, không cần đòi hỏi. Hợp đồng lao động tạm thời hay ngắn hạn phần đa chỉ là những người mới vào nghề chứ làm từ 1-2 năm trở lên luôn là hợp đồng lâu dài. Các chi phí cho cuộc sống thời ấy cũng khác. Tiền nhà, tiền ăn uống, đi lại chỉ chiếm rất nhỏ và cho dù có nhận tiền xã hội cũng dư dả mà ăn. Thu nhập bình quân loại tàng tàng đi nữa thì tiền nhà, tiền ăn chưa tới nổi 1/3 số lương hàng tháng. Đấy là câu chuyện của cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. 
 
Nhưng chỉ sau khi đông Âu sụp đổ vài năm, sự ve vãn của chính quyền và giới tài phiệt với người lao động đã không còn. Tài phiệt công khai làm luật, các đảng cầm quyền dù tả hay hữu cũng vẫn chỉ là những cánh tay nối dài của họ. Đồng lương thu nhập hàng tháng phải chi cho nhà, điện, nước, ăn uống, đi lại, trung lưu thì quá nửa, tầng lớp thu nhập thấp thậm chí may mắn lắm vừa đủ chi tiêu, có việc gì gấp lại phải vay mượn ngân hàng, rồi hàng tháng đi làm trả nợ, cả đời chỉ lo trả nợ lãi xuất cho ngân hàng. Con số những người thu nhập thấp ở Đức cứ dài mãi, dài mãi không thôi. Những bộ luật cải tổ đại loại như giảm lương hưu tưởng chừng là giảm gánh nặng cho xã hội nhưng đã đẩy hàng trăm ngàn người lớn tuổi, cả cuộc đời đi làm, đóng thuế, đóng bảo hiểm mà tới lúc về hưu, tiền hưu thậm chí còn không đủ trang trải cho tiền nhà, tiền điện nước và tiền lò sưởi chứ chưa nói gì tới tiền ăn hay đi du lịch. Cả một số lượng lớn thanh niên khởi nghiệp bằng công việc làm thuê cho các hãng dịch vụ lao động, một mô hình nô lệ kiểu mới, đó đâu còn là chủ nghĩa tư bản?
Nếu đầu thế kỷ 20 trở về trước, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là thuộc địa thì sang cuối thế kỷ 20, ít nhất ở thời hoàng kim, chủ nghĩa tư bản đã một thời như một tia chớp giữa ban đêm, xóa tan cả một khối xã hội chủ nghĩa mà người ta phải mất tới nửa thế kỷ để gây dựng. Thế nhưng chủ nghĩa tư bản ấy tới nhanh và nó qua cũng nhanh. Đỉnh cao của nó và sự tan dã là sự thâu tóm quyền lực của giới tài phiệt, thao túng toàn bộ nền kinh tế của đất nước chỉ với một khái niệm duy nhất "Tối đa lợi nhuận!". Lợi nhuận là động lực phát triển của chủ nghĩa tư bản nhưng cũng chính là thứ giết chết chính nó. 
 
Còn nhớ ông Tony Blair ở Anh từng trúng cử vì phương châm của đảng trong suốt thời gian dài là "Quốc hữu hóa những ngành rường cột của nước Anh", đó là nhờ ông hứa sẽ đứng về phía đa số. Nhưng cho tới giờ ngay cả ông Cameron cũng đã rời khỏi chính trường thì người dân vẫn chỉ ăn bánh vẽ, nước Anh già cỗi vẫn được điều hành bởi những kẻ trùm thị trường chứng khoán và những ngành rường cột hay không rường cột thì vẫn chưa có ai dám đụng tới. Ở Đức, Anh, Mỹ,... tài sản của 1% cứ tăng mãi theo thời gian, 99% còn lại trong đó chủ yếu là những người làm ra của cải vật chất xã hội vốn nghèo nay lại càng nghèo thêm. Đó chỉ là một xã hội của tài phiệt chứ không còn là chủ nghĩa tư bản như vốn có của nó trong thế kỷ 20.
-/-

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen