Dienstag, 31. Mai 2016

Thống kê mới của sở lao động liên bang Đức: Quá nhiều trẻ em sống trong hoàn cảnh nghèo khó!

Bình quân ở Đức cứ bảy đứa trẻ thì có ít nhất một đứa nhận trợ cấp xã hội Hartz IV. Năm 2015 vừa qua tổng số những đứa trẻ dưới 15 tuổi sống trong hoàn cảnh nhận trợ cấp xã hội vào khoảng 1,54 triệu, cao hơn năm 2014 khoảng 30 ngàn. Đó là công bố thống kê năm 2015 của sở lao động liên bang Đức mới đây.
Nếu tính theo tiểu bang, Bremen và Berlin là hai nơi có nhiều trẻ em nhận Hartz IV nhất, với 31,5% trẻ em dưới 15 tuổi, tức là gần 1/3. Kế tiếp là tiểu bang Sachsen Anhalt với 21,8%, Hamburg với 20,4% và thấp nhất tại Bayern với 6,5%.
Tiểu bang tăng nhanh nhất lên tới 2,1% là Bremen, tiểu bang giảm được nhiều nhất là Brandenburg và Sachsen với khoảng 0,7%.
Tính theo đông tây cũ, phía đông Đức có 20,3% trẻ em nhận trợ cấp, tây Đức có 13%.
Trẻ em sống trong hoàn cảnh nghèo khó là vấn đề nhức nhối ở Đức hiện giờ khi con số ấy tăng lên theo hàng năm mà chưa có chiều hướng giảm. Như một vòng luẩn quẩn khi đại đa số trẻ em trong hoàn cảnh đó sẽ được đầu tư ít hơn khiến cho chúng khó khăn hơn trong con đường học hành cũng như đào tạo nghề sau này. Thu nhập của những đối tượng đó khi tới tuổi làm cha mẹ cũng thấp, đóng góp vào xã hội không nhiều và thế hệ sau của họ cũng không được cải thiện gì hơn và càng phụ thuộc vào nhà nước khiến cho ngân sách xã hội càng eo hẹp. Trong khi đó xu hướng xã hội Đức đang già đi trông thấy, số người đi làm đóng góp vào ngân sách giảm quá nhanh, tương lai của 20 năm sau thêm vào đó là một thế hệ hưu trí với hoàn cảnh không mấy sáng sủa, đó là một bức tranh ảm đạm khi nền kinh tế quá phụ thuộc vào xuất khẩu trong thời gian qua.
Gần 20 năm về trước, chính phủ ông Schröder của đảng SPD đã từng có quan niệm rằng, nếu giảm thuế cho doanh nghiệp, cho những người thu nhập cao,.. họ sẽ có tiền đầu tư để tạo ra thêm công ăn việc làm. Hơn nữa chính sách nới lỏng luật lao động đã tạo ra một tầng lớp làm 2-3 nghề mà vẫn không đủ sống. Thậm chí cùng một công việc trong cùng một xưởng, cùng một nhà máy, có người thu nhập 3500 Euro, nhưng nhiều người thu nhập không quá nổi 1000 Euro cầm tay. Kẽ hở luật pháp đã tạo điều kiện cho việc lách luật trong mọi chỗ, mọi nơi. Giới chủ thay vì được giảm thuế là việc sẽ đầu tư thêm để tạo công ăn việc làm như các chính trị gia hồi ấy nói, họ đã không làm thế. Chính phủ làm khó thì họ mang tiền, mang nhà máy ra nước ngoài và họ biến số người lao động trở thành con tin nhằm gây sức ép với chính quyền. Gần 20 năm thị trường lao động ở Đức chỉ có giảm đi chứ không hề tăng, thất nghiệp còn cao hơn thời trước, số người thu nhập thấp tăng kỷ lục, số người nghèo nhiều chưa từng có và đó cũng là nguyên nhân dẫn tới con số thống kê ở trên.
-/-

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen