Freitag, 20. Mai 2016

2016 chính quyền ông Maduro không sụp đổ, cách mạng màu ở Venezuela sẽ thất bại

Tình hình kinh tế của Venezuela hiện nay quả thực đang ở thời kỳ muôn vàn khó khăn. Chợ đen và buôn lậu đang là quyền lực lớn trong thị trường Venezuela khi có tới 20% những người ở độ tuổi lao động đang sống nhờ vào nó. Thu nhập của họ so với những người lao động thông thường cao hơn gấp nhiều lần, với những mặt hàng vốn nằm trong danh mục trợ giá của nhà nước dường như càng đẩy nền kinh tế của đất nước này vào ngõ cụt. Đứng trước một lựa chọn khó khăn trong thời gian hiện nay, nếu đánh sập chợ đen và buôn lậu, một lượng lớn người dân mất đi nguồn thu nhập sẽ là cơ hội cho phe đối lập tận dụng. Không đánh sập được nó, nền kinh tế Venezuela sẽ còn trong tình trạng khó khăn này ít nhất 2-3 năm nữa khi chính phủ khắc phụ được tình trạng khan hiếm hàng hóa. 

Tuy nhiên chợ đen, buôn lậu ở Venezuela hiện giờ có vẻ giống như Việt Nam ở cuối thập niên 1980. Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay khó có thể tin rằng, hàng hóa khan hiếm vô cùng, đừng nói gì tới giấy vệ sinh mà giấy báo, lá chuối còn không có để mà chùi. Chợ đen là nơi có tất cả các mặt hàng, từ vàng bạc, đô la tới cây kim sợi chỉ, nó khuynh đảo toàn bộ thị trường Việt Nam hồi ấy. Sắn, ngô là những thứ mà thời buổi này để chăn nuôi khi ấy là thực phẩm duy nhất giúp những người như chúng tôi tồn tại, đất nước đứng vững như bây giờ. Nếu khi ấy có Facebook, Twitter, chắc chắn những gì họ viết về Venezuela hôm nay sẽ là một bức tranh của Việt Nam thời ấy. Là những người một trong cuộc của Việt Nam trong thời kỳ tương tự, hơn ai hết tôi hiểu rõ về những gì đang diễn ra tại Venezuela và sự sụp đổ của chính quyền ông Maduro sẽ là sự thất bại của giai cấp vô sản Venezuela và lại một chương sử đen tối cho đại bộ phận người lao động Venezuela.

Nhưng bạn có hiểu vì sao cuộc cách mạng xuống đường ở Venezuela cho tới giờ vẫn thất bại?

Cuộc chiến tại Venezuela hiện nay là cuộc chiến của giới tài phiệt được hỗ trợ bởi các tập đoàn truyền thông quốc tế là một bên và bên kia là giai cấp lao động!
 
"Bàn tròn dân chủ", "Xã hội dân sự" là những cái tên của các phe đối lập tại Venezuela được hỗ trợ bởi các chủ tài phiệt, một phần là của các tập đoàn Mỹ. Với các chương trình họ đưa ra như tư hữu hóa nhà ở xã hội, chấm dứt việc nhà nước hỗ trợ nông dân trong việc cấp đất trồng trọt, ngưng các khoản vay tín dụng ưu đãi để mua nhà ở xã hội cho các hộ nghèo,... phe đối lập Venezuela đang đứng về phía các ông chủ giàu có và tầng lớp thượng lưu của xã hội. Tuy vậy an ninh, quân đội chủ yếu xuất thân từ tầng lớp con dân nghèo khó của Venezuela. Hơn ai hết họ sẽ bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân, gia đình của họ và đó là nguyên nhân phe đối lập không thể nào kích động được họ lật đổ chính quyền ông Maduro, ít nhất cho tới thời điểm này. 
 
Mặt khác sau các cuộc vận động ráo riết lôi kéo mọi người xuống đường, phe đối lập đã không thành công khi số người quá ít, không đủ gây sức ép với chính quyền. Điều đó cũng chứng tỏ được rằng tình hình an ninh hiện nay vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của chính quyền ông Maduro. 
 
Hơn ai hết phe đối lập Venezuela hiểu rõ sự thất bại ấy và họ muốn sử dụng công cụ khác hữu hiệu hơn nhằm loại ông Maduro trong năm 2016 này, đó là bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Khác với thời cố tổng thống Hugo Chavez được nhiều người dân ủng hộ và trải qua 13 cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý với số phiếu áp đảo, tổng thống Maduro và những người trong ê kíp đều hiểu rõ, nếu trưng cầu dân ý diễn ra vào thời điểm này khi nền kinh tế Venezuela đang rất khó khăn vì khan hiếm hàng hóa, họ sẽ thất bại. Nhưng nếu ngăn cản được hoặc làm cho việc ấy diễn ra muộn hơn, sang tháng 1 năm 2017 chẳng hạn, ông Maduro cũng vẫn phải ra đi nhưng người nắm chức tổng thống của Venezuela khi ấy sẽ là đương kim phó tổng thống, theo hiến pháp Venezuela và phe đối lập không đạt được mục tiêu của mình khi ê kíp ông Maduro vẫn nắm quyền trong tay.
 
-/-

2 Kommentare:

  1. "Nhưng nếu ngăn cản được hoặc làm cho việc ấy diễn ra muộn hơn, sang tháng 1 năm 2017 chẳng hạn, ông Maduro cũng vẫn phải ra đi nhưng người nắm chức tổng thống của Venezuela khi ấy sẽ là đương kim phó tổng thống, theo hiến pháp Venezuela và phe đối lập không đạt được mục tiêu của mình khi ê kíp ông Maduro vẫn nắm quyền trong tay."
    Tại sao vậy bác Karel Phùng?

    AntwortenLöschen
    Antworten
    1. Người ta nói là hiến pháp Venezuela qui định khi tổng thống ra đi vì bất cứ lý do gì mà thời gian của nhiệm kỳ ấy còn dưới 18 tháng thì phải, sẽ không bầu cử lại mà phó tổng thống sẽ lên thế chân. Nhiệm kỳ của ông Maduro kết thúc vào tháng 4 năm 2018, trụ được tới tháng 1 sang năm 2017 có nghĩa là thời gian quá ngắn cho bầu cử mới. Đó là nguyên nhân cú đánh tổng lực vào thời điểm này từ giới truyền thông.
      Tình hình Venezuela tôi đọc nhiều trang của nhiều cá nhân, quả thật rất tồi tệ, cho tới giờ vẫn rất tăm tối. Nó khiến cho tôi liên tưởng tới cuối thập niên 198x khi chúng tôi rời khỏi Việt Nam khi ấy muôn vàn khó khăn. Mặc dù vậy những gì mà giới truyền thông quốc tế loan tải là sai sự thật. Đơn giản nhất bạn xem hình ảnh họ đăng có hình nào của năm 2016 hay các bài viết chỉ mượn hình ảnh từ năm 2014?

      Löschen