Dienstag, 9. Februar 2016

Tham nhũng - Cảm nghĩ từ táo quân 2016



- Nhà ông ấy đấy, mua từ mấy năm trước, hình như bên nhà vợ đứng tên, giờ đang để không từ đó tới giờ.
Ngước mắt nhìn căn nhà ba tầng mà với người dân ở nước ngoài như tôi còn phải mơ ước chứ đừng nói gì tới dân thường ở Việt Nam tôi tự nhủ "Làm quan kể ra cũng có nhiều thế lợi, lợi nhất là dễ làm giàu, làm giàu một cách trong sạch!".
Nói dễ làm giàu bởi chỗ nào có dự án là các ông ấy cho người thân, gia đình vợ con tranh thủ ra ôm vài mớ đất và chỉ một thời gian sau khi dự án được chính thức công bố, bạc triệu USD bỏ túi dễ như chơi. Còn nói làm giàu một cách trong sạch là bởi vì khi kiểm tra tài sản phần đa các ông ấy giỏi lắm chỉ có "nhõn" căn nhà cấp 4 lụp xụp do nhà nước cấp. Tài sản còn lại, nếu không của cha cũng của mẹ, không của mẹ vợ cũng con dâu, con rể và riêng các ông ấy thì xem ra hoàn toàn trắng tay và quả thật chỉ có thể khẳng định rằng, họ là những nhà vô sản chính cống. Dân Việt Nam chả ai bảo ai nhưng ai cũng thạo mấy bài ấy, cho nên lắm lúc ngồi nói chuyện với mấy bác lớn tuổi họ bảo "Việt Nam nó thế!" nghe sao mà não lòng.
- Các anh nhìn xem, người cộng sản thời trước ai cũng da bọc xương. Còn người cộng sản bây giờ ai cũng bụng phệ, mặt trơ, trán bóng, lên xe xuống xe chỗ nào cần cũng có chân dài tận nách đi bảo vệ - Có lần ngồi với mấy ông quan tôi "đá đểu".
- Ôi chuyện thường - Một bà cụ ngồi gần nói - Thằng ... làm trưởng phòng nhân lực huyện, nhà nó mới xây lại toàn là gỗ quí, chẳng biết hết bao nhiêu tỷ. Hàng xóm láng giềng hỏi thì nó bảo là tài sản của bố vợ cho chứ nó làm gì có.
Ở nước ngoài như bên Đức, các quan có ăn thì cũng phải khéo, khéo tới mức luật pháp, hiến pháp cũng phải công nhận. Thay vì phong bì đút lót, thay vì chia nhau chiếc bánh "dự án" họ sẽ được bổ nhiệm làm những chân như "cố vấn", "đại diện" với những đồng lương khủng, nhưng mà ít nhất còn phải đóng thuế, đóng bảo hiểm. Ở Việt Nam ta tới cái chân cô nuôi dậy trẻ ở xã cho tới cô giáo dậy cấp I, cấp II cũng phải tầm số tiền trăm triệu VNĐ trở lên được bàn giao thẳng cho đối tượng mà chẳng mất đồng nào nộp ngân sách hay nộp thuế cho nhà nước. Chữ “dự án” và chữ “nhân sự” nó thiêng liêng tới mức bất kể ai dính líu tới nó cho dù không muốn ăn cũng chả được.
- Việt Nam ta từ dưới lên trên là cả một guồng máy, nếu anh vào làm việc mà không theo guồng máy đó, trước sau gì anh cũng bị sa thải - Tôi nêu rõ quan điểm cá nhân khi có lần ngồi với một người có chức quyền.
Thật vậy! Người có chức quyền không tham thì cũng có bố mẹ, vợ con, gia đình “tham giúp” và cái câu “Một người làm quan cả họ được nhờ” nó ứng nghiệm tới mức sẽ chẳng còn ai ngạc nhiên khi ông A thậm chí tới lúc về hưu còn cố gắng đàm phán với đồng nghiệp hay cộng sự nhằm cho con hay cháu vào chân nào đó. Ông B cơ cấu lại tổ chức và trẻ hóa đội ngũ cán bộ khi sắp xếp nhân sự tương lai là hậu duệ của dòng họ danh giá của mình. “Việt Nam nó thế đấy!” có người nói với tôi vậy.
Mấy chục năm đổi mới, cải tổ, mấy chục năm xã hội đã phát triển, chiến tranh đã lùi xa, thế hệ mới đã trưởng thành và đáng lý ra Việt Nam có thể còn phát triển mạnh hơn nữa nếu như đẩy lùi được tham nhũng. Chỉ có điều trong cái xã hội của chúng ta, quan tham, dân tham, tham từ trong nhà ra ngoài ngõ và điều ấy đã khiến cho việc chống tham nhũng và việc tìm ra ai là người tham nhũng trở nên vô cùng khó khăn. Muốn thay đổi có lẽ cần phải mất ít nhất hai thế hệ nữa khi mà đời sống căn bản của người dân cũng như tầm hiểu biết của dân chúng được nâng cao. Khi người ta thu nhập ổn định, có cuộc sống ấm no thì việc tham gia vào chính trường cũng chỉ là một nghề kiếm cơm chứ không phải là làm giàu như bây giờ, ít nhất là về lý thuyết nó như vậy. Những mong trong thời gian này cụ Tổng đừng đánh chuột vỡ bình. Bởi vì đây là thời điểm chuột có rất nhiều mà bình lại hiếm, cái xã hội mình bây giờ nó vậy, không phải sức một hai người hay một đảng phái nào đó có thể làm được đâu.
-/-

Keine Kommentare:

Kommentar veröffentlichen